Uncategorized
Các loại vắc xin covid – 19 được cấp phép tại Việt Nam
Các loại vắc xin covid – 19 được cấp phép tại Việt Nam
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh tiêm vắc xin covid – 19 toàn dân nhằm giảm thiểu tối đa các tổn thất về người khi chuyển qua giai đoạn sống chung với dịch. Có nhiều loại vắc xin trên thế giới được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu vắc xin toàn cầu. Việt Nam hiện tại đã cấp phép cho các loại vắc xin covid – 19 sau đây. Cùng Allniche tìm hiểu chi tiết để trang bị kiến thức cho mục tiêu quốc gia về phòng chống dịch bạn nhé

1. Các Loại Vắc Xin Được Cấp Phép Tại Việt Nam
(1) Vắc xin AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. AstraZeneca được Việt nam phê duyệt ngày 01/02/2021 và triển khai tiêm chủng từ tháng 3/2021, hiện đang có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Đây là loại vắc xin sản xuất theo công nghệ vector, sử dụng 2 liều cách nhau 8-12 tuần.
(2) Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V) do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 23/3/2021. Đây là vắc xin sử dụng công nghệ tái tổ hợp hợp mang gen mã hóa protein S của SARS-CoV-2. Vắc xin được tiêm 2 liều cách nhau 3 tuần.
(3) Vắc xin Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co. Ltd – Trung Quốc sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Ngày 3/6/2021, vắc xin Vero Cell đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Vắc xin này sản xuất theo công nghệ bất hoạt vi rút, tiêm 2 liều cách nhau 3-4 tuần.
(4) Vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 16/6/2021. Vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA, sử dụng tiêm 2 liều cách nhau 3-4 tuần. Đến ngày 23/8/2021, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức đưa ra chấp thuận hoàn toàn đối với vaccine Pfizer-BioNTech trong phòng ngừa COVID-19 ở những người từ 16 tuổi trở lên.
(5) Vắc xin Spikevax (Tên khác là Moderna) do Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc xin này cũng được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA, sử dụng 2 liều cách nhau 4 tuần. Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 cho loại vắc-xin này vào ngày 28/6/2021.
(6) Vắc xin Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc xin được sản xuất bằng công nghệ véc-tơ vi-rút, sử dụng 1 liều duy nhất. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận loại vắc xin này nhưng Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với loại vắc xin này vào ngày 15/7/2021.
(7) Vắc xin vaccine Hayat – Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vắc xin này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) – Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Vaccine Hayat – Vax mỗi liều 0,5 ml chứa 6.5 đơn vị kháng nguyên SARS-CoV-2 (tế bào vero) bất hoạt, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp một lọ chứa một liều 0,5 ml và hộp một lọ chứa 2 liều, mỗi liều 0,5 ml. Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với vắc xin này vào ngày 10/9/2021. Liều tiêm đang chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn.
(8) Vắc xin Abdala được sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA – Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) – Cuba. Vắc-xin Abdala mỗi liều 0,5ml chứa 50 mcg vắc xin protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của vi-rút SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vắc xin được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml. Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với loại vắc xin này vào ngày 17/9/2021
2. Tiêm Cùng Loại Hay Khác Loại Vắc Xin Cho Hiểu Quả Tốt Hơn?
Theo hướng dẫn tại Công văn 6030/BYT-DP 2021 của Bộ Y tế thì những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất nếu người được tiêm chủng đồng ý. Không sử dụng vắc xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca.
3. Những Lưu Ý Quan Trọng Sau Khi Tiêm Vắc Xin Covid – 19

Tại Quyết định 3588/QĐ-BYT Bộ Y tế đưa ra những lưu ý quan trọng đối với người sau khi tiêm vắc xin, cụ thể:
– Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
– Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.
– Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.
– Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
– Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:
+ Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
+ Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Bài viết bạn nên đọc
